Ngày 10/6/1940 đã diễn ra Hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh Hải Dương tại nhà cụ Lê Thị Thạnh, thôn Tạ Xá, nay là xã Hợp Tiến (Nam Sách). Liên tỉnh B đã chỉ định Ban Tỉnh ủy lâm thời gồm các đồng chí: Nguyễn Mạnh Hoan, Chu Thị Kim Sơn và Nguyễn Tấn Phúc. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hoan được chỉ định làm Bí thư. Sự kiện này đánh dấu sự ra đời của Đảng bộ tỉnh và mở ra bước ngoặt mới cho phong trào cách mạng ở Hải Dương.
84 năm qua, kể từ ngày đầu thành lập đến nay, với 17 kỳ Đại hội, Đảng bộ tỉnh Hải Dương đã không ngừng phát triển, trưởng thành. Từ 3 ủy viên Ban Tỉnh ủy lâm thời với 14 đảng viên rồi phát triển thành 50 đảng viên (thời kỳ Cách mạng Tháng Tám năm 1945) đến nay Đảng bộ tỉnh Hải Dương có 15 đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc Tỉnh ủy; có 640 tổ chức cơ sở đảng với trên 109.000 đảng viên.
Để xây dựng, phát triển Đảng, những năm qua, nhất là từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Hải Dương có nhiều biện pháp quyết liệt, cụ thể để vượt khó phát triển tổ chức đảng và đảng viên. Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao rõ chỉ tiêu hằng năm cho các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy. Các đơn vị đều chủ động xây dựng kế hoạch và đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện công tác phát triển đảng viên hằng năm và trong cả nhiệm kỳ. Công tác phát triển tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước, kết nạp đảng viên là học sinh và ở khu vực nông thôn được quan tâm thực hiện. Chỉ tính riêng trong năm 2023, toàn tỉnh phát triển được 12 tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân; kết nạp được 2.290 đảng viên, vượt 4% chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Cùng với phát triển Đảng, Hải Dương đặc biệt chú trọng công tác chỉnh đốn, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo cụ thể hóa kịp thời các kết luận của Trung ương, trọng tâm là thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá". Các tập thể, cá nhân vi phạm đều bị xử lý, kỷ luật nghiêm minh, đúng quy định.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quê hương Hải Dương ngày càng phát triển, đạt được những thành tựu đáng tự hào. Đến nay, kinh tế Hải Dương liên tục có những bước tăng trưởng khá. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Quy mô nền kinh tế ngày càng lớn, tỉnh hiện đứng thứ 11/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Từ năm 2017, Hải Dương đã tự cân đối được ngân sách. Tỉnh cũng là một trong 5 tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) giai đoạn 2021-2023 tăng bình quân 8,58%/năm. Dự báo 6 tháng năm 2024 tăng trưởng kinh tế của Hải Dương ước đạt 10%. Trong đó tăng trưởng quý I đạt 10,11%, quý II ước đạt 9,91%. Với kết quả này, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đứng thứ 7 cả nước, đứng thứ 3 vùng đồng bằng sông Hồng...
Truyền thống vẻ vang và những kết quả đạt được là tiền đề, động lực to lớn để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Dương tiếp tục phát huy ý chí, khát vọng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra; xây dựng quê hương phát triển bền vững.